Với tôi, nấu một số món ăn như sáng tác những bài thơ. Nhưng phải thật tinh tế vì không phải khách hàng nào cũng muốn biết câu chuyện của bạn.Vicky Lau
Trong giới đầu bếp cao cấp, phụ nữ giành được sao Michelin vàng danh giá đã khó, phụ nữ châu Á càng ít có điều kiện được đào tạo nấu nướng bài bản và công nhận hơn. Thế nhưng Vicky Lau – một đầu bếp “mới toe” với chưa đầy 5 năm tuổi nghề lại thành công giành được 1 sao vàng cho nhà hàng đầu tiên tại Hồng Kông. Bên cạnh đó, cô còn được Công ty Pháp Veuve Clicquot và Tạp chí England Restaurant công nhận là nữ đầu bếp hàng đầu châu Á năm 2015.
Vậy đằng sau thành tích đáng nể của cô gái châu Á nhỏ nhắn này là gì?
“Tôi muốn kể câu chuyện của mình”
Khi được phỏng vấn về sự nghiệp, phong cách nhà hàng và phương châm nấu nướng, Vicky Lau luôn nhắc đi nhắc lại một điều: Tất cả mọi thứ đều có một câu chuyện ẩn giấu đằng sau, ẩm thực cũng vậy. Ý nghĩa của nấu ăn chính là truyền tải chúng đến với thực khách một cách rung động và tinh tế nhất.
Với cá nhân Vicky Lau, câu chuyện của cô lại có xuất phát điểm rất giản dị so với những đầu bếp sở hữu sao Michelin khác. Lớn lên ở tỉnh Triều Châu, Trung Quốc, từ nhỏ Vicky đã có cơ hội tiếp cận với ẩm thực Quảng Đông từ những món rau xanh trồng ngay tại vườn nhà. Mẹ cô cũng thường hay dắt các con tới những nhà hàng Nhật Bản trong thành phố. Chính những trải nghiệm tuổi thơ đó đã tạo nên năng khiếu ẩm thực tiềm ẩn trong Vicky Lau. Đến khi cô đặt chân tới New York, được học tập và làm việc trong ngành truyền thông đồ họa, năng khiếu ấy mới có cơ hội bừng nở thật sự.
Trong quá trình làm việc, cô cùng một người bạn tham gia các chương trình của trường ẩm thực danh tiếng Le Cordon Bleu, với mục đích ban đầu là thưởng thức các món ăn ngon. Sau 3 tháng, Vicky hoàn toàn bị khuất phục bởi sự tinh tế trong hương vị và kĩ thuật của ẩm thực cao cấp. Cô quyết định rẽ hướng và mau chóng đạt thành công liên tiếp: Trở thành đầu bếp trong nhà hàng Crepage danh tiếng tại Hồng Kông, đến 2012, cô có nhà hàng Tate Didning Room của riêng mình với một sao Michelin.
Hành trình đến với ẩm thực của Vicky Lau không quá dài, nhưng nó gợi nhắc chúng ta về câu chuyện của rất nhiều đầu bếp nữ nghiệp dư quyết tâm “lấn sân” vào làng ẩm thực cao cấp – nơi vốn chỉ dành cho đàn ông. Thành công của Vicky lập tức được Lưu ý và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều đầu bếp trẻ tuổi khắp châu Á. Thậm chí cô còn ưu tiên tuyển đầu bếp nữ cho Tate Dining Room - nhà hàng do chính cô mở, với mục đích khuyến khích phụ nữ tham gia vào sự nghiệp ẩm thực cao cấp.
Những chiếc đĩa nhỏ và câu chuyện lớn
Tại sao một nữ đầu bếp trẻ tuổi, vào nghề không lâu lại có thể sở hữu thành tích đáng nể như thế? Câu trả lời là Vicky Lau đã xây dựng một cá tính vô cùng đặc biệt cho con người, nhà hàng đến món ăn của mình.
Cô luôn khuyên các thực khách đến với Tate Dining Room hãy thưởng thức món ăn thật chậm trãi, bởi từ chi tiết trang trí, công thức của nhà hàng đều khiến người ta hứng thú với hành trình đằng sau nó. Điển hình cho phong cách “nấu ăn là kể chuyện” này của cô chính là món signature mang tên Zen Gadern (Vườn Thiền). Đây là món tráng miệng được trang trí hệt như một khu vườn trong nghệ thuật trà đạo – xuất phát từ trải nghiệm thưởng thức trà đạo của chính Vicky khi tới Kyoto.
Từng chi tiết trong món ăn đều là sự mô phỏng chính xác và cực tinh tế: macaroons hoa nhài và marshmallow chanh leo đại diện cho những viên đá, bánh opera vị trà xanh là các khóm cây, và chocolate đen được gọt giũa tỉ mỉ để mô phỏng cành cây. Ngoài việc thỏa mãn thị giác, Vicky còn nhấn mạnh cách cô đã biến matcha nguyên chất với vị đắng đặc trưng trong trà đạo thành món ngọt vừa miệng. “Khu vườn” của Vicky Lau vì thế hấp dẫn thực khách từ hình thức đến hương vị, khiến chúng ta phải dừng lại thật lâu để chiêm ngưỡng và thưởng thức nó – tạo nên một hình thức “thiền” rất riêng của ẩm thực.
Một món ăn khác được lấy từ chính câu chuyện ấu thơ của Vicky là The Sea (Biển). Phối hợp các loại hải sản đặc trưng của quê hương như sò điệp, cua, sứa biển, trứng cá,… cô đã truyền tải thành công hương vị của hòn đảo quê nhà trong một hình thức sang trọng và xinh đẹp, trong khi vẫn giữ nguyên những nguyên tắc phối hợp, chế biến của ẩm thực truyền thống Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Vicky Lau cũng tỏ ra rất cởi mở với ẩm thực phương Tây cùng những phương pháp chế biến hiện đại của ẩm thực phân tử. Sự kết hợp Đông – Tây nổi bật nhất của cô là món bồ câu Lau’s rosé. Món ăn gồm hai thành phần chính là ức bồ câu từ Pháp với mù tạt xanh đặc trưng của Trung Quốc, đã được các nhà phê bình ẩm thực ca ngợi là thơm ngon, mềm mịn “như một lát bánh”.
Hầu hết các công thức của Vicky Lau đều là kết quả của một chuyến đi, hay cuộc gặp gỡ với một người bạn mới đem lại cho cô nguồn cảm hứng nào đó. Bằng một tinh thần rất nhiệt tình và tận tâm, cô đã truyền tải hành trình cá nhân của bản thân vào từng món ăn và chia sẻ với thực khách. Hiện tại, hành trình của cô ngày một nhiều và thú vị, cô cũng xuất hiện trong chương trình Culinary Journeys để chia sẻ về quá trình đi khắp châu Á tìm hiểu về ẩm thực của mình:
Trong tương lai, chúng ta hẳn sẽ còn được nghe nhiều câu chuyện thú vị hơn nữa về văn hóa ẩm thực do chính “người đầu bếp kể chuyện” Vicky Lau thuật lại. Và quan trọng hơn ,thành công của Vicky là sự khích lệ to lớn cho các đầu bếp nữ “bước ra ánh sáng”, tìm được vị thế ngang bằng với các đồng nghiệp nam trong làng ẩm thực thế giới.
Tổng hợp & BT: Cẩm Vân (NauNgon.com)