Indonesia có hơn 13 ngàn hòn đảo trải dài thuộc cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ẩn chứa nhiều nền văn hóa đa dạng rất khác nhau và ẩm thực truyền thống vì vậy phong phú vô cùng. Những sắc màu ẩm thực Indonesia
Những sắc màu ẩm thực Indonesia

Nền ẩm thực phong phú nhờ gia vị

Một mâm cơm truyền thống ở Indonesia với lá dứa lót dưới mỗi món ăn cùng màu đỏ của ớt và xốt sambal  

Thử một lần đến với Jakarta - trái tim của xứ sở vạn đảo, bạn sẽ thấy chỉ riêng việc khám phá ẩm thực tại đây cũng đã chiếm trọn cả ngày. Từ những gánh hàng rong trên hè phố, các gian hàng ẩm thực ở khu trung tâm mua sắm đến các nhà hàng, khách sạn sang trọng đều có thực đơn các món đặc sản Indonesia được nấu nướng công phu. Nhưng dù ở đâu, một đặc điểm dễ nhận ra chỉ sau vài gắp đũa chính là gia vị nồng cay trong tất cả mọi món ăn.

Dường như với người dân đất nước này, gia vị là yếu tố quan trọng nhất để chế biến thức ăn nên họ khá “mạnh tay” trong khi nếm nêm. Bởi vậy, đừng quá ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy vị cay ở đây quá nồng, vị mặn quá tay và vị ngọt quá gắt. Nhiều người lý giải rằng khẩu vị này xuất phát từ cá tính sôi nổi và nồng nhiệt của người dân xứ sở vạn đảo, tạo nên nét đặc trưng đa dạng về cả sắc và hương trong ẩm thực của Indonesia.

Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính có mặt trong hầu hết các món ăn, vì thế trên bàn ăn lúc nào cũng thấy lảng bảng sắc đỏ. Rất nhiều món ăn của người Indonesia có vị cay xé lưỡi của ớt chín, chứ không như vị cay nồng của tiêu thường gặp trong các món Ấn Độ. Nếu không quen ăn cay, khi đến các quán ăn tại Jakarta, bạn đừng quên nói câu “Tidak pakai cabe” để dặn dò đầu bếp nếm nêm gia vị vừa phải hơn.

Gia vị đậm đà như ớt đỏ, cà ri đã làm phong phú thêm cho các món ăn ở Indonesia  

Thông thường, các món ăn đều dùng chung với sambal - một loại nước xốt được làm từ ớt tươi, giống xốt cà chua và có công dụng như nước tương ở Việt Nam để làm món ăn thêm đậm đà. Xốt sambal có nhiều cách làm khác nhau vì trong các gia đình Indonesia, con gái lớn lên luôn được mẹ truyền lại cách làm món sambal theo truyền thống riêng của gia đình.

Loại xốt này phổ biến và đặc trưng đến nỗi khi du khách bay từ TP.HCM đến Jakarta trên đường bay thẳng đầu tiên do Hãng hàng không Air Asia vừa khai trương, món ăn phục vụ trên chuyến bay cũng là cơm trắng dùng chung với xốt sambal tẩm đều trong đậu phộng rang muối và trứng gà luộc.

Đặc sản Indonesia

Tất nhiên, các món ăn ở Indonesia không chỉ có vị cay kích thích vị giác, mà còn có cả vị béo, bùi dễ làm thực khách thòm thèm. Món cà ri khá phổ biến ở đất nước này, nhưng không quá cay nồng, mà ngược lại, đậm đà, béo ngậy, thậm chí còn đọng lại vị ngọt của nước cốt dừa.

Ngay cả những món ăn quen thuộc như trứng gà luộc hay mực ống xào lăn cũng được rưới lên lớp cà ri mỡ màng và óng ánh vàng rất kích thích vị giác. Ngoài những loại gia vị tiêu biểu ấy, thực khách cũng sẽ cảm nhận phảng phất vị của đinh hương, vỏ nhục đậu khấu, dầu lạc hay những gia vị được chế biến từ thảo mộc tươi như rau húng, cỏ chanh… trong các món ăn ở đất nước này.

Như nhiều nước châu Á có nền văn minh lúa nước, ở Indonesia, gạo là lương thực chính nên cơm trắng vẫn có vị trí không thể thay thế trên bàn ăn. Cơm ở đây khá béo vì người Indonesia thường thêm nuớc cốt dừa vào lúc cơm gần chín (nếu cho nước cốt dừa vào ngay từ đầu thì cơm sẽ dễ bị khét).

Hai màu xanh - vàng đặc trưng của món cơm nasi tumpeng

Khi dọn cơm, người ta thường lót bằng một ít lá dứa để làm dậy hương ngào ngạt và thơm của hạt gạo chín. Món cơm khá phổ biến ở đây là nasi tumpeng với hai màu xanh - vàng lạ mắt. Hình dáng của món cơm này cũng khá lạ vì có dạng đỉnh chóp và hai màu xanh - vàng xen kẽ nhau, gợi nhiều liên tưởng đến những mái nhà truyền thống ở Indonesia - cũng đều có hình chóp và hình tháp đặc trưng.

Một phần nữa cũng vì người Indonesia nấu cơm bằng cách hấp trong một chiếc nồi đặc biệt, trông như chiếc bình cắm hoa. Chiếc nồi cao cổ này có khả năng chứa hơi, giúp hạt cơm chín tới, vừa rời vừa dẻo, lại giữ được hương thơm. Chúng tôi đã có dịp thưởng thức món cơm đặc sản ngon lành này tại Khách sạn Atlet Century Park ở Jakarta và được các đầu bếp tại đây giới thiệu tận tình về cách chế biến “tháp cơm” này.

Nasi tumpeng cũng được nấu với nước cốt dừa, nhưng trải qua hai giai đoạn nhuộm màu khác nhau - màu xanh từ lá dứa và màu vàng từ củ nghệ. Trong khi nấu, những loại lá, gia vị đặc trưng của người Indonesia như rau húng, cỏ chanh… được bỏ thêm vào để làm dậy mùi cơm nồng nàn. Bên cạnh đó, thịt gà xé nhỏ một phần được hấp cùng trong cơm và phần còn lại chiên giòn để phủ lên trên khi “tháp cơm” đã thành hình.

“Tháp cơm” nasi tumpeng

Buổi tối ở Indonesia là dịp để du khách tản bộ dọc các gánh hàng rong hay đến với Food Temptation của Mal Kelapa Gading - trung tâm ẩm thực lớn nhất ở Jakarta. Tại đó, thực khách có cơ hội thưởng thức món sop iga sapi (xúp sườn bò) hay sop buntut (xúp đuôi bò), đều có nguồn gốc từ một món ăn của Hà Lan và được người Indonesia tẩm gia vị theo cách riêng.

Còn nếu thích xem những người đầu bếp nấu nướng và trao tận tay món ăn còn đang tỏa khói thì bạn nên đến các gian hàng phục vụ món kerak telor. Đây là một kiểu ốp lết chiên từ trứng và cơm nếp, được rắc dừa tán mỏng cùng tôm khô ở trên qua bàn tay khéo léo và thoăn thoắt của người làm bếp. Chỉ cần đứng nhìn cách làm món này cũng đủ thấy thòm thèm và muốn thưởng thức ngay tại chỗ.

Món tráng miệng mát lạnh, nhiều màu sắc

Một điều khá thú vị nữa là các món tráng miệng ở Indonesia cũng đầy màu sắc hệt như cuộc sống đa văn hóa nơi đây. Chè es cendol với nước cốt dừa, bánh lọt hay es teler mát lạnh trong sắc vàng của mít, sắc trắng của thanh long, sắc đỏ của sirô cùng lát dừa xắt mỏng… đủ để khép lại một ngày ăn uống thỏa thích trên đất nước Indonesia.

  TheoAnh Khang Doanh nhân Sài Gòn
Tổng hợp & BT:

Về Menu

indonesia các món á khác